Lượt xem: 854

Sóc Trăng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp

Trong bối cảnh COVID-19, hình thức tiêu thụ sản phẩm bằng cách làm truyền thống đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hòi người sản xuất phải thay đổi để kịp thích ứng. Trong khó khăn này, việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả để giải quyết bài toán đầu ra cho nhiều mặt hàng.

 


Giao diện trang thương mại điện tử - Postmart

 

    Từ đầu năm 2020, sự tác động mạnh mẽ của COVID-19 đã kéo theo những đứt gãy, gián đoạn của các chuỗi cung ứng và thương mại ở bình diện toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên toàn quốc cũng như thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhất định, nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. Và ngay tại thời điểm này, tại các cửa khẩu xuất khẩu của ta sang nước bạn cũng đang gặp nhiều khó khăn, cước tàu biển sang các thị trường tăng cao vượt xa dự tính của doanh nghiệp. Với sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo công tác tăng cường hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông sản bị ùn ứ, nối lại chuỗi đứt gãy nông sản thông qua việc trao đổi mua bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội zalo...

    Cũng như nhiều mặt hàng khác, các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng đang gặp khó trong khâu tiêu thụ, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, tình hình xúc tiến thương mại bị hạn chế. Có thời điểm cơ sở phải ngưng, tạm ngưng hoạt động, một số hợp đồng tiêu thụ bị hủy bỏ, sản phẩm bán không được, các đơn hàng bị trả về, có một số sản phẩm quá hạn sử dụng phải đem tiêu hủy. Nhằm duy trì hoạt động sản xuất, thích ứng với tình hình mới, cơ sở Thiên Hương xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề đã chủ động thay đổi “chiến lược” kinh doanh. Theo đó, cơ sở đã rà soát lại khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó bố trí số lượng công nhân làm việc, nguồn nguyên liệu và sản xuất lượng hàng hóa sao cho phù hợp; nắm lại và chăm sóc kỹ hơn, tốt hơn, có những chính sách hỗ trợ về nhiều mặt đối với những khách hàng lớn, tiềm năng, đại lý bán sỉ, lẻ. Bên cạnh đó, các sản phẩm tại cơ sở bao gồm sản phẩm OCOP và OCOP tiềm năng như: Mắm sò huyết cồ, mắm cua gạch, mắm tôm gạch, mắm chiên chưng... còn được kinh doanh dưới hình thức đa kênh gồm: Kênh truyền thống, kênh hiện đại, kênh thương mại điện tử. Ngoài tự thiết kế các clip quảng bá về sản phẩm đăng tải trên các trang facbook, zalo cá nhân, nhiều sản phẩm tại cơ sở hiện đã có mặt trên các trang thương mại điện tử lớn như: Lazada, tiki, postmart, shopee.... Với những giải pháp trên, cơ sở đã phần nào duy trì ổn định việc tiêu thụ sản phẩm trong tình hình khó khăn như hiện nay. Anh Lý Thanh Bình - chủ cơ sở Thiên Hương chia sẻ thêm: “Thực tế thời gian qua, COVID-19 là cơn “ác mộng” đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng lại là thời kỳ “lên ngôi” của các trang web thương mại điện tử, khi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội. Qua việc kinh doanh trên website, thương mại điện tử, doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào và từ đó đạt lợi nhuận tốt nhất, đồng thời giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với nhà sản xuất, với mức giá thấp hơn. Trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, theo tôi các doanh nghiệp nên đẩy mạnh việc kinh doanh trên internet và thương mại điện tử”.

    Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới đã tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực và đang phát huy được những ưu thế, thúc đẩy những bước tiến vượt bậc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực trụ cột và tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Trong các sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam có sự tham gia của sàn thương mại điện tử Postmart được sáng lập bởi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), hoạt động trên nguyên tắc góp phần quảng bá hình ảnh, sản vật của các địa phương trên mọi miền đất nước thông qua sự kết nối giữa hệ thống Bưu điện, nhà cung cấp và người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm đăng bán trên Postmart đều bảo đảm đúng nguồn gốc, thương hiệu, giá trị sử dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bưu điện tỉnh đã thực hiện kết nối 78 sản phẩm, trong đó 65 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là các đặc sản đặc trưng của Sóc Trăng. Bên cạnh đó, trong thời gian cao điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thông qua sàn thương mại điện tử Postmart, Bưu điện Sóc Trăng đã chung tay cùng với bà con nông dân tiêu thụ hàng chục tấn nông sản như nhãn, bưởi, hành tím. Chị Lê Minh - Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh, Bưu điện tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Sàn thương mại điện tử Postmart là hệ thống mở dành cho tất cả nhà cung cấp, việc đăng ký tham gia sàn hoàn toàn miễn phí và rất đơn giản, ngoài những thông tin cá nhân cơ bản, nhà cung cấp chỉ cần có Email, tài khoản ví Postpay của bưu điện hoặc tài khoản ngân hàng là có thể đăng ký ngay. Đồng thời, trong thời gian vừa qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nói chung và Bưu điện tỉnh Sóc Trăng nói riêng thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và Kế hoạch số 1249 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Thông qua đó, đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Để được hỗ trợ tham gia sàn, các nhà cung cấp, các hộ sản xuất nông nghiệp có thể liên hệ trực tiếp các điểm phục vụ của Bưu điện để được hướng dẫn kết nối hoặc hỗ trợ đưa sản phẩm lên gian hàng số”.

    Thương mại điện tử từ trước đến nay chủ yếu tập trung nhiều mảng hàng hóa tiêu dùng nhanh, hàng công nghiệp nhẹ, điện tử… Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2020 – 2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đòi hỏi mọi mô hình kinh doanh và quản lý theo truyền thống phải thay đổi một cách căn bản và thích ứng. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể, hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến ngay với cả các sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến… Việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa thu hoạch, không thể để quá thời gian và cần được bán trong thời gian sớm nhất.

    Năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng đã thay đổi phương thức quảng bá, tuyên truyền cho sản phẩm nông sản trong tỉnh từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến trên các nền tảng số. Đồng thời, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 02 gian hàng hội chợ triển lãm trực tuyến trên nền tảng số là báo điện tử VnExpress và agroviet.com. Trên gian hàng số điện tử, các sản phẩm nông sản cũng được quảng bá đầy đủ hình ảnh, thông tin về sản phẩm để giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng như khi triển lãm truyền thống. Tuy nhiên, triển lãm trực tuyến cũng như quảng bá trên sàn thương mại điện tử cũng có ưu, nhược điểm riêng. Đồng chí Nguyễn Kim Cương – Chi cục Quản lý nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ưu điểm của sàn thương mại điện tử cũng như gian hàng số là không giới hạn về không gian, ta có thể quảng bá cùng lúc nhiều sản phẩm, chi phí rẻ do không phải tốn kém chi phí vận chuyển cũng như dụng cụ trưng bày. Nhược điểm là các sản phẩm không được người tiêu dùng trực tiếp nhìn thấy nên nhiều người tiêu dùng vẫn còn lo ngại, phân vân. Một điều đáng lưu ý nữa là nhiều sản phẩm được quảng bá trên mạng xã hội có nhiều tài khoản là của riêng cá nhân nên tính xác thực không cao. Vì vậy khi tham gia tiêu dùng trên nền tảng số, người tiêu dùng cũng cần lưu ý những kênh có uy tín”.

    Có thể thấy, phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thời gian tới, lãnh đạo các ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, mở rộng kênh phân phối và phục hồi kinh tế sau đại dịch; không chỉ ở thị trường trong nước mà hướng ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 1462
  • Trong tuần: 70,795
  • Tất cả: 11,864,822